Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023, với một số điểm mới nổi bật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Theo đó, Luật bổ sung quy định về đặt ra giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần di động công cộng mặt đất mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong một băng tần hoặc trong một nhóm băng tần xác định. Đồng thời, cho phép cấp phép kèm theo điều kiện sử dụng đối với các trường hợp đặc biệt sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch bao gồm: sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã làm rõ trường hợp nào thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số thông qua đấu giá, trường hợp nào thông qua thi tuyển, trường hợp nào thông qua cấp trực tiếp. Bổ sung quy định doanh nghiệp phải có cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Khi vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được ban hành tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông
Luật bổ sung quy định cho phép cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép đã cấp hết hiệu lực nếu quy hoạch băng tần không thay đổi các khối đã phân chia và doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có đủ các điều kiện để cấp lại giấy phép theo quy định. Bổ sung khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số mang lại giá trị kinh tế cao theo quy định của Chính phủ. Luật quy định thu hồi giấy phép khi tổ chức, cá nhân không nộp đủ phí sử dụng, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô hồi giấy phép tuyến điện nhưng không khắc phục để nộp đủ trong thời hạn 12 tháng; đồng thời, thu hồi giấy phép khi tổ chức, cá nhân không khắc phục vi phạm về cam kết triển khai mạng viễn thông sau thời hạn bị đình chỉ một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Luật bổ sung quy định, trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp trực tiếp băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất với thời hạn không quá 03 năm và được gia hạn tối đa 12 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Các doanh nghiệp này có nghĩa vụ nộp phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với lượng tần số sử dụng cho phát triển kinh tế.
Các tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất mà hết hạn trước 16/9/2024 thì không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với thời hạn còn lại của giấy phép nhưng không được gia hạn giấy phép; những giấy phép hết hạn trước ngày 06/9/2023 thì được gia hạn đến hết ngày 15/9/2024 và không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
XH.