image banner
Dấu ấn của ngành thông tin và truyền thông năm 2022
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 246

Năm 2022, là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 – 2025. Với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Thông tin và Truyền thông đã có nhiều đóng góp tích cực và đã để lại nhiều dấu ấn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản đúng định hướng

Là lĩnh vực trọng yếu của ngành, hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh luôn thể hiện được vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh Bình Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo được niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; tạo dòng chảy chính trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Trong năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh tập trung thông tin, tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội và các sự kiện, hoạt động của tỉnh và của cả nước. Nổi bật là công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI; các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bình Dương, mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần, các hoạt động tổ chức Hội thảo khoa học "Tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng"; Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Ấn Độ năm 2022. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai ký kết hợp tác tuyên truyền với 26 cơ quan báo chí ngoài tỉnh; phát hành Đặc san Thông tin đối ngoại năm 2022 “Bình Dương cùng kiến tạo tương lai bền vững”; Ấn phẩm tuyên truyền tích hợp mã QR phục vụ Hội thảo khoa học Hội thảo khoa học "Tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng".

anh tin bai

Nhiều thông tin được tỉnh Bình Dương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, kịp thời định hướng dư luận xã hội

Bên cạnh đó, ngành cũng đã phối hợp Cục Thông tin cơ sở tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin, tập huấn nhân lực làm công tác thông tin cơ sở năm 2022. Hướng dẫn các đài truyền thanh sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu nghiệp vụ thông tin cơ sở. Tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức họp mặt báo chí Xuân Nhâm Dần 2022; tổng hợp, báo cáo kết quả hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí ngoài tỉnh năm 2021. Đồng thời, đọc và lưu chiểu 296 ấn phẩm báo chí. Phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị triển khai Luật Xuất bản năm 2012. Rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 214/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp phép xuất bản, lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh. Phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin, hướng dẫn về kỹ năng nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm cho Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố. Thẩm định, cấp phép hoạt động cơ sở in, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động bưu chính, viễn thông phát triển ổn định

Hạ tầng bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông của người dân.  Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính; tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh, với hơn 360.000 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 1,1 triệu hồ sơ về thủ tục hành chính công đến tận tay người dân. Hỗ trợ, hướng dẫn Bưu điện tỉnh, Viettel Post triển khai thực hiện Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Triển khai Nền tảng địa chỉ số gắn với Bản đồ số trên địa bàn tỉnh với hơn 286.949 đối tượng đã được gắn địa chỉ số. Hướng dẫn thực hiện, thẩm định kết quả thực hiện tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông cho 11 xã. Hướng dẫn 25 cơ quan, đơn vị thực hiện các quy định về sử dụng, đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Hướng dẫn, hỗ trợ 7 doanh nghiệp về việc sử dụng và đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Xác nhận thông báo hoạt động bưu chính cho 4 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

anh tin bai

Công tác hạ ngầm, chỉnh trang mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai, góp phần đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị

Trong lĩnh vực viễn thông, Ngành tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo tỉnh và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Triển khai giám sát việc hạ ngầm cáp tại các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Tổng kết, đánh giá về công tác hạ ngầm, chỉnh trang mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương tăng cường công tác quản lý hạ tầng cáp điện, viễn thông đảm bảo an toàn, mỹ quan. Định hướng nội dung Quy hoạch hạ tầng thông tin liên lạc trong các Đồ án quy hoạch xây dựng cho các sở, ngành, địa phương, để yêu cầu các đơn vị tư vấn lập các đồ án, quy hoạch, đảm bảo các nội dung theo quy định. Thẩm định, góp ý chuyên ngành cho 52 dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư, đô thị mới. Tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.

 

Bình Dương tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng

Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ nhắn tin lan tỏa Chương trình “Trái tim cho em” tại tỉnh Bình Dương. Tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hạ tầng viễn thông cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Góp ý về việc di dời cáp quang quân sự trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Phối hợp với Phòng Quản lý Đô thị các huyện, thị, thành phố khảo sát vị trí xin phép xây dựng 20 trạm thu phát sóng thông tin di động.

Hoạt động công nghệ thông tin được đẩy mạnh

Xác định công nghệ thông tin (CNTT) chính là nền tảng quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử. Trong năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính của đơn vị. Trong đó, chú trọng thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số; thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh; tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tăng cường hiệu quả quản lý, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ; thiết bị phần cứng, đường Internet, Mạng truyền số liệu chuyên dùng được đầu tư tương đối bài bản, đảm bảo an toàn thông tin, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý nghiệp vụ của các cơ quan, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống truyền hình trực tuyến với 120 điểm cầu; kết nối 4 cấp. Trung tâm dữ liệu tỉnh triển khai tập trung, đồng bộ nhiều nền tảng, phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Các trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

anh tin bai

Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 4/2022

Các ứng dụng nền tảng của chính quyền điện tử đang dần được xây dựng hoàn thiện, kết nối với các hệ thống Chính phủ điện tử của bộ, ngành, Trung ương, với 11 cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; có khoảng trên 90 phần mềm nội bộ đang được triển khai. Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh đã được thành lập và đi vào hoạt động, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống IOC hơn 1.000 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang triển khai xây dựng, thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Đưa vào sử dụng Ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp “Bình Dương Số” và ứng dụng phục vụ điều hành chính quyền “Chính quyền số Bình Dương”. Ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung đang từng bước được chuẩn hóa. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai liên thông 4 cấp, với 279 cơ quan sử dụng. Tính đến nay, Sở đã cấp phát 1.403 chứng thư số cá nhân, 225 chứng thư số cơ quan; 7.136 hộp thư điện tử và 297 tài khoản định danh; triển khai 124 điểm cầu truyền hình trực tuyến. Cổng Dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh đang tiếp tục được nâng cấp với các tính năng mới, đáp ứng nhu cầu phục vụ của người dân, doanh nghiệp. Sở đã triển khai hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Cài đặt đồng bộ 144 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 1.015 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Triển khai, cấu hình, cài đặt, tập huấn các chức năng mới cho 18/18 sở, ban, ngành; 9/9 UBND cấp huyện, 91/91 UBND cấp xã. Hệ thống Đường dây nóng 1022 của tỉnh đã tiếp nhận khoảng 65.287 cuộc gọi trên tất cả các lĩnh vực của các sở, ngành, địa phương, với 54 cơ quan đầu mối, 460 bộ phận xử lý thông tin. Tỷ lệ xử lý thông tin hỗ trợ từ người dân, doanh nghiệp đạt 81% trên tổng số phiếu yêu cầu.

Hội nghị truyền hình trực tuyến đã triển khai kết nối 04 cấp

Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định. Đến nay, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin như: tường lửa, phần mềm lọc thư rác, phần mềm bảo mật, diệt vi rút, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép. Hệ thống mạng cấp xã đã được trang bị thiết bị tường lửa cho 100% UBND các xã, phường, thị trấn. Các Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được triển khai các giải pháp an toàn thông tin hiện đại, phục vụ tốt cho quá trình vận hành, khai thác dịch vụ. Ngoài ra, đã triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin. Trong năm 2022, Sở đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị đầu mối mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin mạng quốc gia, phối hợp, chia sẻ, cảnh báo về các thông báo, lỗ hỏng bảo mật, mã độc từ Cục An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tham gia các lớp tập huấn, diễn tập, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng qua hình thức trực tuyến, diễn tập quốc tế APCERT. Triển khai thử nghiệm ứng dụng họp trực tuyến mã nguồn mở; tổ chức tập huấn nhập dữ liệu trên phần mềm VSR; tham mưu thành lập Đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin; đề nghị Cục An toàn thông tin và Cục Bưu điện Trung ương thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của hệ thống thông tin mạng Truyền số liệu chuyên dùng tỉnh Bình Dương cấp 2; duyệt cấp độ 3 về an toàn thông tin cấp độ đối với 01 hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; đánh giá thiết bị an toàn thông tin cho 10 cơ quan, đơn; kích hoạt hơn 1.000 bản quyền Microsoft cho 11 cơ quan, đơn vị; chặn 04 đợt tấn công dò tìm mật khẩu, DOS và hình thức giả mạo mail công vụ; chặn hơn 4.540.026 thư spam, nội dung xấu và virus hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh.

Hoạt động chuyển đổi số được chú trọng

Công tác chuyển đổi số đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần chuyển đổi số và ứng dụng CNTT năm 2022. Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã ban hành Kế hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số; Tổ giúp việc Chuyển đổi số; xây dựng Kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng với kết quả đạt được ban đầu đã thành lập 585 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên là 2.992 người, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập thuộc thành phần các Tổ của khu, ấp.

anh tin bai

Quá trình chuyển đổi số được cập nhật liên tục thông qua màn hình giám sát, điều hành thông minh

Trong năm, Sở đã tham mưu Nghị quyết về chuyển đổi số; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022; thành lập Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh; thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ giúp việc chuyển đổi số các cấp; Tổ Báo cáo viên chuyển đổi số cấp tỉnh; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo kết quả đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021, Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh thành phố). Các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng đã được quan tâm, liên tục đầu tư và cải tiến, nhằm tạo ra nhiều phương tiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền ngày càng tốt hơn; tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ qua mạng nhằm giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo triển khai, tập huấn công tác chuyển đổi số năm 2022 cho CCVC phụ trách CNTT trên địa bàn tỉnh, với gần 140 CCVC tham dự Hội thảo. Tổ chức Hội thảo hướng dẫn xây dựng và triển khai bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cộng đồng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Triển khai các lớp do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức về các khoá học chuyển đổi số dành cho các đối tượng Lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT; Khoá học cho Lãnh đạo UBND xã phụ trách về chuyển đổi số; Khoá học chuyên đề về cách tiếp cận nền tảng trong triển khai chuyển đổi số. Tổ chức xét duyệt chế độ ưu đãi CNTT cho 13 cơ quan, với 15 trường hợp.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực của ngành, nhất là trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, viễn thông, internet; xử phạt phạt hành chính với số tiền 378.500.000 đồng. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản có liên quan. Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, phân công công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân. Thông báo lịch tiếp công dân của Sở trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử của Sở. Trong năm, đã tiếp nhận và xử lý 07 phản ánh, kiến nghị của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc Sở. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác xử lý vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Triển khai Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Dù rằng, vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn cần được khắc phục, nhưng tổng quan nhìn lại, năm 2022 vừa qua, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã gặt hái những kết quả rất đáng khích lệ. Những thành tựu đạt được chính là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp và nhất là sự đồng lòng, quyết tâm cao của đội ngũ những người làm công tác thông tin và truyền thông trong tỉnh đã nỗ lực cố gắng, không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong giai đoạn Bình Dương đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, những cơ hội thuận lợi luôn đan xen với những khó khăn, thách thức, đang đặt ra nhiều vấn đề cho ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh trong thời gian tới. Đòi hỏi mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động ở từng đơn vị của ngành cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, nhằm đạt được những kết quả tốt nhất. Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong năm qua. Tin tưởng rằng, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương.

XH.








Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 546
  • Trong tuần: 6,285
  • Tất cả: 179,847