Trong thời gian qua, công tác ngầm hóa, bó gọn cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tình hình ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2, dân số ước khoảng 2.568.689 người. Mạng lưới giao thông tỉnh Bình Dương gồm có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K và Quốc lộ 13 với tổng chiều dài khoảng 75 km; đường tỉnh dài 491 km; đường huyện dài 606 km; đường đô thị dài 467 km. Ngoài ra, Bình Dương là địa phương thu hút lao động từ nhiều tỉnh, thành khác về nên tốc độ đô thị hóa rất nhanh, kéo theo là hàng trăm khu dân cư, khu đô thị mới hình thành và nhiều khu dân cư tự phát với hàng nghìn ki-lô-met đường ngõ, hẻm.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Bình Dương trở thành điểm đến, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Về lĩnh vực viễn thông, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 doanh nghiệp có triển khai hạ tầng cáp và cung cấp dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải trí của người dân và doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sự bùng phát mạng cáp viễn thông, làm cho mạng cáp viễn thông ngày càng chằng chịt, gây mất mỹ quan, mất an toàn
Việc thu hút nhiều doanh nghiệp viễn thông đầu tư, kéo theo là sự bùng phát mạng cáp viễn thông, làm cho mạng cáp viễn thông ngày càng chằng chịt, gây mất mỹ quan, mất an toàn. Trước năm 2015, các doanh nghiệp viễn thông chủ yếu triển khai mạng cáp theo hình thức treo chung trên cột điện lực hoặc cột treo cáp viễn thông và chỉ đầu tư hạ tầng ngầm phục vụ cho các tuyến trục chính, nên hầu hết trên địa bàn tỉnh không có tuyến đường, khu vực được hạ ngầm mạng cáp viễn thông hoàn chỉnh. Đối với các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mới được đầu tư từ sau năm 2012, thì mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ ngay từ đầu, nên mạng cáp viễn thông tại các dự án này được triển khai theo hình thức ngầm, đảm bảo mỹ quan, an toàn. Với mạng lưới giao thông lớn hàng nghìn km, từ Quốc lộ cho đến ngõ, hẻm đều có dân cư sinh sống, vì vậy, trước năm 2020, tại Bình Dương chưa có tuyến đường, khu vực thuộc các khu dân cư tập trung, khu đô thị cũ được hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông (cáp truyền dẫn và cáp thuê bao).
Để khắc phục tình trạng cáp viễn thông ngày càng chằng chịt, gây mất mỹ quan, đô thị, trong giai đoạn 2017 - 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hạ ngầm cáp viễn thông viễn thông trên địa bàn tỉnh. Ở giai đoạn này, các danh nghiệp viễn thông được giao nhiệm vụ đầu tư hạ tầng cống, bể dùng chung chủ yếu triển khai công tác đầu tư hạ tầng mà chưa tiến hành hạ ngầm cáp. Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Dương đã từng bước hạ ngầm cáp viễn thông tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An với hơn 40 tuyến đường, có tổng chiều dài gần 50km.
Năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành Quyết định số 555/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hạ ngầm và chỉnh trang cáp viễn thông giai đoạn 2021 – 2025. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp viễn thông nỗ lực vượt qua những khó khăn để hoàn thành việc hạ ngầm cáp viễn thông trên một số tuyến đường trọng điểm tại Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An với hơn 40 km tại 33 tuyến đường vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bình Dương cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc chỉnh trang mạng cáp viễn thông treo chung trên cột điện lực với tổng chiều dài hơn 90 km.
Phương hướng ngầm hóa cáp viễn thông trong thời gian tới
Với sự ủng hộ của Cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân và nỗ lực của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương, công tác hạ ngầm cáp viễn thông trong thời gian qua, tuy còn hạn chế so với Kế hoạch đề ra, nhưng bước đầu đã đạt được thành công nhất định, góp phần từng bước làm cho mạng cáp viễn thông trên địa bàn được an toàn, bền vững, đảm bảo mỹ quan.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hạ ngầm, bó gọn cáp viễn thông còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do khối lượng các tuyến đường thực hiện hạ ngầm cáp tương đối lớn. Các tuyến cống, bể ngầm phục vụ cáp viễn thông và hệ thống cột treo cáp bản chất là các công trình hạ tầng kỹ thuật nên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng kỹ thuật dùng chung có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn trong quy hoạch, đầu tư, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật. Việc đàm phán giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 210/2012/TTLT-BTC-BXD-BTTTT gặp nhiều khó khăn giữa các doanh nghiệp viễn thông, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, độc quyền. Ngoài ra việc miễn, giảm giá thuê hạ tầng ngầm áp dụng cho các đơn vị quản lý mạng cáp thông tin liên lạc phục vụ an ninh quốc phòng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.
