Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại thủ đô Baku, Azerbaijan từ ngày 11-22/11. Hội nghị có gần 200 quốc gia tham dự, trong đó có Việt Nam. Hội nghị COP29 thảo luận các nội dung chính trên cơ sở kết quả đạt được tại Hội nghị COP28 và các cuộc họp trù bị của Ban Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) tổ chức trong năm 2024. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẩu hiệu chính của hội nghị COP 29 là: “Đoàn kết vì một thế giới xanh” và “Nâng cao tham vọng, kích hoạt hành động”.Khẩu hiệu đầu tiên ngoài lý do chiến tranh, vấn đề chính đặt ra là các nước cần thực hiện đúng cam kết, cả về giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính. Đoàn kết để cùng thấu hiểu, cùng thực hiện vì một mục tiêu chung.
Theo đó, có 7 nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị COP29: thứ nhất, về thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị COP29 dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận biện pháp thực hiện mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA) đã được thông qua tại COP28. Chương trình UAE Belem về các chỉ số đánh giá mục tiêu thích ứng toàn cầu; đánh giá việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP), trong đó chú trọng giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai NAP, lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia và có sự tham gia nhiều bên vào hoạt động thích ứng. Tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương.
Thứ hai, về tổn thất thiệt hại, vấn đề tổn thất và thiệt hại được thông qua tại COP28 được coi là thắng lợi quan trọng của các nước đang phát triển, trong đó có việc thiết lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại. Tuy nhiên, việc đóng góp khoảng 700 triệu USD theo như các cam kết ban đầu tại COP28 vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và hiện chưa có cam kết mới. COP29 sẽ tiếp tục thúc đẩy các khoản đóng góp cho Quỹ, hoàn thiện các quy định để đưa Quỹ vào vận hành bao gồm quy định về điều kiện, quy trình tiếp nhận nguồn vốn từ Quỹ do Ngân hàng Thế giới đảm nhận vài trò điều phối.
Thứ ba, về giảm phát thải khí nhà kính, hội nghị COP29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Điểm nhấn là Chương trình làm việc Sharm el-Sheikh về nâng cao tham vọng và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng UAE; xây dựng và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho giai đoạn 2025 - 2035 (NDC 3.0).
Thứ tư, về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, Hội nghị COP29 tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, gồm: cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (Điều 6.2); cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững (Điều 6.4); cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng (Điều 6.8). Trong đó, có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ carbon hình thành từ các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang Cơ chế Điều 6.4.
Thứ năm, về tài chính khí hậu, hội nghị COP29 sẽ tiếp tục thảo luận về kết quả huy động tài chính từ các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển so với mục tiêu đạt 100 tỷ USD mỗi năm, bao gồm đánh giá nguồn tài chính cung cấp và các điều kiện đi kèm; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo;
Cùng với đó Hội nghị thảo luận các biện pháp, quy định toàn cầu về tính minh bạch, các điều kiện ràng buộc trong tiếp cận nguồn vốn cũng như khai thông nguồn lực tài chính tư nhân cho ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho “thích ứng” và “giảm nhẹ”.
Mục tiêu mới mang tên "Mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu" sẽ được thảo luận tại COP29 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2025. Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ cùng đánh giá lại số tiền cũng như loại hình tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất, Hội nghị COP29 sẽ tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đối thoại UAE về triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã được thông qua tại hội nghị COP28.
Đây được coi là sự tiến bộ trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cung cấp nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giữa cam kết với hành động nhằm hướng tới đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Kết quả này cũng thúc đẩy các bên nâng cao tham vọng giảm phát thải của toàn nền kinh tế đối với tất cả các loại khí nhà kính, mọi lĩnh vực và hành động nhằm đạt mục tiêu 1,5 độ C và đưa vào nội dung NDC 3.0 giai đoạn 2025 - 2035.
Thứ bảy, về chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu đã chỉ ra mức độ thiếu hụt lớn trong đáp ứng nhu cầu công nghệ và tăng cường năng lực tại các nước đang phát triển thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại COP28, các bên đã thống nhất xây dựng chương trình triển khai công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu về các công nghệ ưu tiên đã được xác định trong NDC và các thông báo quốc gia của các nước đang phát triển. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận thêm tại COP 29.
VIỆT NAM VỚIHỘI NGHỊ TOÀN CẦU BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU COP29
Tham dự Hội nghị COP29,Đoàn Việt Nam có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Đến với hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm.
Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện” và kêu gọi các quốc gia cùng hành động, đạt được mục tiêu theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và nâng cao mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo. Việt Nam mong muốn thế giới có thể đoàn kết thông qua vai trò điều phối chung của Liên hợp quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng. Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng05% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng02 –03% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.
|
Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang hoành hành tại nhiều khu vực trên toàn thế giới, từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ngoài ra, năm 2024 cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử với nền nhiệt tăng theo cấp số nhân.
Trong số gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị, những bên đóng vai trò chính bao gồm: Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới, duy trì quan điểm cho rằng các nước phát triển nên dẫn đầu trong hành động và tài chính về khí hậu; Mỹ - nước phát thải lớn thứ hai và Liên minh châu Âu (EU) – một khu vực đóng góp lớn cho tài chính về khí hậu. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
COP29 được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
|