Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương – Nền tảng của chuyển đổi số
IOC sẽ được kết nối với các hệ thống ứng dụng, CSDL khác trong nội bộ của các bộ, ngành, địa phương và bên ngoài để thu thập, tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định và được vận hành liên tục không gián đoạn 24/7; thúc đẩy khả năng đáp ứng nhanh đối với các vấn đề của các sở, ban, ngành, địa phương.
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương
1. Chức năng
IOC có chức năng giúp Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao về tổ chức các hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; tổng hợp, giám sát, điều hành các dịch vụ giám sát, điều hành thông minh của tỉnh.
Giám sát, điều hành tập trung trong các hoạt động của dịch vụ thông minh, thực hiện thu thập và xử lý thông tin từ các hệ thống chuyên ngành, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành đảm bảo thống nhất, hiệu quả. IOC bao gồm các chức năng chính sau:
Chức năng giám sát: Thực hiện hoạt động giám sát được hỗ trợ bởi công cụ công nghệ thông tin thông minh để ghi nhận, nhận diện các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị được chia sẻ, kết nối lên hệ thống. Kết quả giám sát sẽ được chuyển đến cơ quan chuyên môn liên quan để nắm bắt thông tin hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
Chức năng báo cáo: Thực hiện hoạt động báo cáo theo chu kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Báo cáo theo ngành, lĩnh vực cho các Sở, Ban, ngành.
Chức năng điều hành: Giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện triển khai hoạt động chỉ đạo, điều hành, điều phối xử lý các công việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Chức năng hỗ trợ chỉ đạo: Đảm bảo sẵn sàng các điều kiện, quy trình hỗ trợ cho lãnh tỉnh trực tiếp điều phối, tác chiến, chỉ đạo, chỉ huy các vụ việc nóng, nhạy cảm có tính tức thời, điều hành hoạt động các lực lượng xử lý tại hiện trường thông qua IOC (áp dụng trong trường hợp khẩn cấp như bạo động, biểu tình, thiên tai, dịch bệnh,...).
2. Nhiệm vụ của IOC
Giám sát chỉ tiêu kinh tế -xã hội: Thực hiện việc thu thập dự liệu tổng hợp từ các ngành liên quan, từ đó cho phép lãnh đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, điều hành dự trên các dữ liệu về chỉ tiêu kinh tế (tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng, GRDP bình quân đầu người); chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế (công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp,…); chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động, tỷ lệ bác sĩ,…); các chỉ tiêu về môi trường (tỷ lệ chất thải, nước sinh hoạt, nước hợp vệ sinh,…); chỉ tiêu về phát triển đô thị. Các chỉ tiêu này sẽ được triển khai trên các nền tảng dứng dụng thiết bị di động để theo dõi, tra cứu.
Giám sát hành chính công: Cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để tra cứu kết quả xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Các nội dung vi phạm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hành chính công sẽ được xây dựng kịch bản và áp dụng hình thức tự động kiểm tra qua giải pháp công nghệ thông tin. Kết thúc một thao tác xử lý của công chức, viên chức trên phần mềm, hệ thống sẽ kiểm tra tức thời và phân tích các vi phạm theo kịch bản. IOC sẽ kiếm tra, xác minh vi phạm, trong trường hợp có vi phạm IOC sẽ kích hoạt kịch bản xử lý có thời gian hay xử lý tức thời tùy theo nội dung vi phạm.
Cho phép lãnh đạo tỉnh theo dõi tình trạng hồ sơ của các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện.
Hệ thống sẽ nhận diện nhanh chóng và xử lý kịp thời vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ; phòng, chống tiêu cực trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Giám sát thông tin môi trường mạng Internet: Thực hiện thu thập dữ liệu từ các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube, Twitter,...), từ các báo mạng để phân tích, chắt lọc thông tin cần giám sát theo thời gian thực. Dịch vụ này cho phép phân loại thông tin quan tâm theo từ khóa đê giám sát thông tin, lọc các thông tin liên quan đến cá nhân, đến tổ chức để theo dõi. Những vấn đề nóng, nhạy cảm đang lan truyền nhanh trên mạng được thông báo kịp thời để xử lý.
Giám sát thông tin Covid-19: Thực hiện thu thập dữ liệu Covid-19 từ y tế địa phương trên phần mềm VSR hoặc tích hơp API nhằm mục đích xây dựng hệ thống thông tin thời gian thực để theo dõi, giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống kết nối thông tin thời gian thực từ các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp đến các đơn vị y tế phụ trách chống dịch ở các địa phương.
Giám sát an ninh, an toàn thông tin: Cho phép giám sát hệ thống mạng và các thiết bị đầu cuối trong toàn bộ hệ thông triên khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh; có khả năng phát hiện kịp thời các vấn đề ảnh huởng đến an toàn thông tin và cảnh báo những vấn đề gây mất an toàn thông tin.
Tương tác, giao tiếp phục vụ công dân: Tiếp nhận tình trạng phản ánh của người dân qua hệ thống tổng đài đường dây nóng 1022 tỉnh. Hiện thị tình trạng phản ánh hiện trường, phản ánh về môi trường, về tình trạng giao thông, số lượt cấp cứu ngoại viện. Tình trạng xử lý phiếu yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tình hình điều phối xe cấp cứu ngoại viện thông qua tổng đài 1022.
Giám sát chất lượng môi trường: Các thiết bị cảm biến quan trắc môi trường được lắp đặt ở các khu đông dân cư, các khu công nghiệp, các hồ đập cũng như các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt. Dữ liệu từ thiết bị cảm biến chuyển về sẽ được hệ thống phần mềm tổng họp, phân tích tình hình ô nhiễm môi trường, không khí, môi trường nước....
Dịch vụ kịp thời cảnh báo tới người dân và cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý phù họp, giảm nhẹ thiên tai, nâng cao chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng.
Giám sát an ninh, trật tư và an toàn giao thông (qua hệ thống camera): Thực hiện chức năng cảnh báo tình hình an ninh trật tự đô thị qua việc tích hợp các camera tại các vị trí trọng điểm, những vị trí cần giám sát. Hình ảnh camera tự động cho phép phân tích tự động các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự đô thị, cảnh báo các hành vi ảnh huởng đến an ninh trật tự. Theo đó, người dân có thể nhận các cảnh báo về tình hình an ninh trật tự đô thị, các tình huống khẩn cấp diễn ra trong đô thị thông qua ứng dụng di động.
Giám sát hoạt động công nghiệp: Thực hiện chức năng giám sát các hoạt động công nghiệp qua việc phân tích các dữ liệu từ các cơ quan, đơn vị liên quan về các chỉ tiêu như tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài/trong nước; số doanh nghiệp đang hoạt động/giải thể; số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; số vốn đầu tư nước ngoài/trong nước…
Giám sát tài nguyên: Thực hiện chức năng giám sát tình hình biến động sử dụng đất như tổng số tách/hợp thửa, tổng số cấp đổi/chuyển quyền/thế chấp; tình hình cấp giấy chứng nhận như tổng số đã cấp, bản đồ, báo cáo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, báo cáo bản đồ, thống kê đất đai, báo cáo kiểm kê đất đai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Giám sát các lĩnh vực chuyên ngành: Lĩnh vực thông tin du lịch; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực công khai thông tin quy hoạch; lĩnh vực về lao động, thương binh và xã hội; lĩnh vực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lĩnh vực về ngành công thương; lĩnh vực về nội vụ; lĩnh vực thông tin và truyền thông,…
Quản lý dữ liệu dịch vụ dùng chung: Quản lý kho dự liệu dùng chung của tỉnh; Quản lý ứng dụng dùng chung của tỉnh: SuperApp “Bình Dương Smart City” dành cho người dân và doanh nghiệp, ứng dụng “Chính quyền số Bình Dương” dành cho cán bộ, công chức, viên chức; Quản lý dịch vụ đô thị thông minh; Cổng dữ liệu mở phục người dân và doanh nghiệp; Giám sát an toàn thông tin: Giám sát đường truyền kết nối mạng toàn tỉnh, cơ quan nhà nước; Giám sát tình hình mã độc, tấn công có chủ đích trên máy người dùng, các máy chủ (server); Báo cáo số liệu về tình hình xử lý các mã độc, tấn công mạng; Phân tích dữ liệu và dự báo: Hệ thống dữ liệu thống nhất, liên kết được với các ngành để có thể phân tích liên lĩnh vực một cách đa chiều; chuẩn bị dữ liệu dự báo xu hướng trong tương lai giúp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành, ra quyết định nhanh chóng và chính xác theo xu hướng phát triển chung của tỉnh.
T.H