Tăng cường triển khai Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Ngày 04/11/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương vừa ban hành Công văn số 6233/UBND-NC về việc phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đoàn viên, hội viên và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức) triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/3/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 02/11/2022 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
Khi có thông báo của cơ quan chức năng liên quan đến việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm an toàn giao thông về nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; các cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật; việc xử lý kỷ luật phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác, kịp thời và theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định; đồng thời phải đảm bảo tính tuyên truyền, giáo dục đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Định kỳ hàng năm (trước ngày 18/9) cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức thông tin kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan chức năng gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm khi có nhiều cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc bao che, không xử lý, kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ quần chúng nhân dân trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.
Tải văn bản tại đây.pdf
XH - VPS.