Các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực của ngành được triển khai đúng tiến độ
Năm 2023, là Năm Dữ liệu số, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu Việt Nam và của tỉnh Bình Dương, là Năm tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, là sự khác biệt cơ bản của chuyển đổi số. Cũng là năm thứ Ba triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021 - 2025. Với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương, trong năm qua, Ngành TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về TT&TT, tạo cơ sở để các lĩnh vực của ngành phát triển đúng hướng và ngày càng gắn kết, phát huy vai trò với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Lãnh đạo Sở TT&TT trao giấy khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ngành năm 2023
Các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục được triển khai đạt và theo đúng tiến độ. Tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và một phần đạt 84,05%; tỷ lệ các sở, ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ đạt 82%; tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 92%. Tỷ lệ hộ gia đình nghe được các chương trình phát thanh, đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình xem được chương trình truyền hình thiết yếu đạt 100%; tỷ lệ mạng truyền hình cáp đến các xã đạt 100%.
Hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản đúng định hướng
Là lĩnh vực trọng yếu của ngành, trong năm qua, hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh luôn thể hiện được vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh Bình Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo được niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Cấp ủy, chính quyền; tạo dòng chảy chính trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị tập huấn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2023
Trong năm qua, các hoạt động họp báo được quan tâm tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, kịp thời cung cấp thông tin, tuyên truyền, phản bác thông tin sai lệch, định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện đối ngoại của địa phương. Triển khai thực hiện điểm tin báo chí và điểm tin mạng xã hội; tập huấn phát ngôn báo chí để theo dõi, giám sát thông tin trên báo chí, dư luận trên mạng xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo.
Tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh thực hiện Đặc san thông tin đối ngoại song ngữ Việt - Anh, thực hiện các chương trình truyền hình và phát thanh đối ngoại bằng nhiều ngôn ngữ để phát trên kênh truyền hình và phát thanh đối ngoại quốc gia VTC10 và VOV5. Triển khai ký kết hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí ngoài tỉnh để đẩy mạnh truyền truyền, quảng bá hình ảnh địa phương. Tổ chức Tuần lễ trưng bày, triển lãm Sách nhân dịp kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4 với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Phối hợp với Cục Xuất bản, In, Phát hành tổ chức hội nghị phổ biến quy định mới về hoạt động in cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn về kỹ năng nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm cho Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố.
Lĩnh vực bưu chính, viễn thông phát triển ổn định
Hạ tầng bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, số lượng doanh nghiệp bưu chính tiếp tục phát triển, nhiều đơn vị mới tham gia cung cấp dịch vụ tại Bình Dương, góp phần tạo nên thị trường cạnh tranh và phục vụ tốt hơn cho lĩnh vực thương mại điện tử. Hạ tầng viễn thông tiếp tục được đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận sử dụng dịch vụ viễn thông. Mạng cáp quang và hạ tầng mạng di động 3G, 4G với gần 3.666 trạm thu phát sóng di động; mạng 5G cũng đang được thí điểm tại Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh; 99,9% khu vực có dân cư sinh sống được phủ sóng di động 3G, 4G; tỷ lệ thuê bao internet cáp quang băng rộng di động đạt 106 thuê bao trên 100 dân, đáp ứng mọi nhu cầu kết nối Internet băng thông rộng cho người dân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang ngầm hóa cáp viễn thông
Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp viễn thông đã có nhiều nỗ lực trong công tác hạ ngầm, bó gọn cáp viễn thông tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, Phú Giáo, góp phần đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị.
Hoạt động chuyển đổi số được đẩy mạnh
Cùng với xu hướng chuyển đổi số của cả nước, trong năm qua, ngành TT&TT đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tăng tốc đẩy mạnh chuyển đổi số sâu, rộng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, tiến tới triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết về chuyển đổi số, các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh.
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã hình thành và phát triển tập trung tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh IOC tỉnh với 1000 bộ chỉ số chỉ đạo điều hành của 27 lĩnh vực, cung cấp cho 9 cấp huyện, 13 OC cấp sở và 4 OC chuyên ngành. Trung tâm dữ liệu tỉnh triển khai tập trung, đồng bộ nhiều nền tảng, phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh.. Trong năm, đã cấp 163 chứng thư số cơ quan và hơn 2300 chứng thư số cá nhân; 450 SIM ký số (PKI) và 35 chứng thư số phục vụ dịch vụ công trực tuyến; 10.000 tài khoản ký số tập trung cho ngành Giáo dục và Đào tạo; 2.500 hộp thư điện tử công vụ.
Các đoàn tham quan, chụp hình lưu niệm tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương
Tham mưu trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đưa vào sử dụng chuyên trang Chuyển đổi số; ứng dụng Chính quyền số, Bình Dương số; tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qua Hệ thống 1022. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đã triển khai cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và cung cấp 1.880 dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, có 84,05% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Số dịch vụ công được tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến là 1.083 dịch vụ công. Từ đầu năm đến nay, đã thanh toán hơn 123.000 hồ sơ với tổng số tiền là 14 tỷ đồng, qua nền tảng thanh toán trực tuyến dịch vụ công quốc gia. Đã có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai quy trình số hóa hồ sơ; 121 cơ quan thực hiện số hóa; số lượng hồ sơ số hóa hơn 111.000 hồ sơ.
Đoàn công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tỉnh Bình Dương trao đổi kinh nghiệm công tác tại tỉnh Yên Bái
Hiện nay, có hơn 3 triệu người trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp khác; 89% người dân biết kỹ năng về CNTT và truyền thông. Trong 02 năm liền (2021, 2022), chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT của tỉnh Bình Dương xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tăng 09 bậc so với năm 2020; tăng ba bậc so với năm 2021, đứng hạng 19 cả nước và xếp thứ 3 khu vực miền Đông Nam bộ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Dương vinh dự được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp hạng 02/63 tỉnh thành về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần thứ nhất. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương được đánh giá nằm trong tốp 10 trên 63 tỉnh thành.
Trong năm, đã tổ chức cho hơn 5.000 công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo chuyên đề về chuyển đổi số; chữ ký số; dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng giữa Bộ Tham mưu Quân khu 7 với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên địa bàn năm 2022 - 2023 và Diễn tập nâng cao năng lực xử lý sự cố mất an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Dương năm 2023. Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho 58 cơ quan, đơn vị. Đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm kiện toàn. Kích hoạt 600 máy tính, gần 1.200 bản quyền. Chặn hơn 4,4 triệu thư spam, nội dung xấu và virus hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh.
Phương hướng thời gian tới
Để tiếp nối những thành quả đã đạt được năm 2023, trong thời gian tới, ngành TT&TT tiếp tục tập trung tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực hoạt động của ngành. Trong đó, chú trọng quan tâm đầu tư hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở; các hoạt động thông tin cơ sở. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông. Đổi mới nội dung, cách thức, quy trình triển khai các nhiệm vụ công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản, nhằm phát triển mạng lưới xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của các nhà xuất bản.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, trong đó, chú trọng các dịch vụ liên quan đến chính quyền số và các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phát triển nhanh, phát triển trước với tiêu chuẩn và chất lượng cao, liên tục được cập nhật, để đảm bảo kết nối, tạo lập, duy trì dòng chảy dữ liệu phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Triển khai các giải pháp nâng cao các bộ chỉ số, trong đó có chỉ số DTI, tập trung vào các lĩnh vực đang còn hạn chế như: an toàn thông tin, kinh tế số và xã hội số. Hoàn thành kho dữ liệu, kết nối toàn bộ dữ liệu quốc gia. Triển khai các nền tảng số do quốc gia cung cấp. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động chuyển đổi số. Triển khai các nền tảng AI, phổ cập AI cho CBCC, VC, cho doanh nghiệp và người dân để có thể khai thác, sử dụng phục vụ công việc, kinh doanh và đời sống hằng ngày; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai trên một số lĩnh vực, dịch vụ công; triển khai trợ lý ảo trên ứng dụng IOC Bình Dương phục vụ hỏi – đáp số liệu điều hành.
Nâng số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ nhà. Số hóa, kết nối liên thông phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ xử lý toàn trình trên môi trường mạng, triển khai các thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước của tỉnh trên môi trường số. Triển khai các dự án cụ thể về đô thị thông minh, chuyển đổi số, Đề án xây dựng Vùng động lực công nghệp ICT tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đầu tư phát triển Khu công nghiệp tập trung để thu thút doanh nghiệp công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái chíp bán dẫn.
Một số sự kiện, hoạt động tiêu biểu trong năm 2023
1. Tổ chức Tuần lễ trưng bày, triển lãm Sách nhân dịp kỷ niệm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4.
2. Công bố ứng dụng Bình Dương Số; Chính quyền Số; ra mắt Cổng tỉnh 03 phiên bản tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn.
3. Công bố Danh mục dữ liệu dùng chung và Danh mục dữ liệu mở.
4. Hợp tác xây dựng hạ tầng số, Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và đảm bảo an toàn thông tin với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel và ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện với Tập đoàn FPT. Quy chế phối hợp về chuyển đổi số, an toàn thông tin với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh; ký kết hợp tác Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, phát triển khu công nghệ thông tin tập trung.
5. Quy hoạch ngành Thông tin và Truyền thông; Đề xuất Quy hoạch xây dựng Công nghệ thông tin tập trung; Bưu chính/Logistics.
6. Triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs.
7. Tổ chức chuỗi sự kiện không dùng tiền mặt tại các tuyến đường, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại. Triển khai Chữ ký số công cộng miễn phí khi thực hiện thủ tục hành chính trên toàn tỉnh.
8. Ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho Tổ Công nghệ số cộng đồng.
9. Tập huấn và phê duyệt hồ sơ đánh giá An toàn thông tin theo cấp độ.
10. Khánh Thành Trung tâm Giám sát điều hành thông minh cấp huyện, hệ thống Camera xử phạt hành chính.
|
Xuân Hiến – Văn phòng Sở.