Hội nghị tổng kết công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện giữa Trung tâm Tần số vô tuyến điện II với các Sở Thông tin và Truyền thông năm 2024
Chiều 06/12, Trung tâm
Tần số vô tuyến điện khu vực II phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh
Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến
điện (VTĐ) giữa Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Trung tâm Tần số VTĐ
II) và 9 Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) các tỉnh, thành phố nhằm
đánh giá kết quả công tác phối hợp trong năm 2024 trên địa bàn các tỉnh thuộc
khu vực II và đưa ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025.
Hội nghị được diễn ra tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Bình
Dương, do ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ; ông Lê Tuấn Anh,
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Cảnh Thế, Giám đốc Trung tâm Tần
số VTĐ II chủ trì. Cùng tham dự có đại diện Văn phòng Bộ TT&TT tại TP. Hồ
Chí Minh, các lãnh đạo Sở TT&TT của các tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Tây
Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh và đại
diện đến từ các phòng chức năng của Cục Tần số VTĐ, Trung tâm VTĐ II, các phòng
nghiệp vụ, thanh tra của các đơn vị,…
Trong năm 2024, Trung tâm Tần số VTĐ II cùng các Sở TT&TT
đã phối hợp chặt chẽ và triển khai hiệu quả các hoạt động quản lý tần số VTĐ, các
nỗ lực tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến quy định và hướng dẫn cấp
phép, nhằm giảm thiểu tối đa vi phạm do sử dụng tần số trái phép. Bên cạnh đó, công
tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm cũng được thực hiện nghiêm túc,
góp phần duy trì trật tự và an toàn trong việc sử dụng tần số VTĐ. Hiện Trung
tâm Tần số VTĐ II có 17 trạm kiểm soát cố định tại 9 tỉnh thành, thực hiện kiểm
tra thường xuyên các băng tần, phát hiện và ngăn ngừa các vi phạm, can nhiễu.
Các đợt kiểm soát lưu động cũng được tổ chức để giám sát băng tần, mạng di
động, đài phát thanh truyền hình và xử lý các đài phát không phép, kiểm soát vùng phủ sóng của kênh truyền hình tại khu vực biên giới, xác
định tầm ảnh hưởng khi triển khai mạng 5G trên băng tần 700MHz, kiểm soát các đài
thông tin di động, đài phục vụ an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn và hiệu quả
trong việc sử dụng tần số VTĐ. Trong năm 2024 đã kiểm
tra, xử lý 48 vụ vi phạm phát hiện được qua hệ thống kiểm soát cố định và lưu
động, giải quyết 44 vụ can nhiễu có hại, bắt giữ và đo đạc thu thập
số liệu, chứng cứ để củng cố hồ sơ xử lý 01 vụ (có đối tượng người nước ngoài)
sử dụng máy thu phát sóng (BTS)
giả phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Quang cảnh Hội nghị
Các chuyên đề, báo cáo về “Cập nhật công tác quản lý tần số
vô tuyến điện năm 2024”, “Các xu hướng mới về công nghệ thông tin vô tuyến”
cũng được trình bày tại Hội nghị, những nội dung này không chỉ cung cấp thông
tin, cập nhật tình hình quản lý tần số mà còn mang đến cái nhìn sâu sắc về các
xu hướng phát triển công nghệ vô tuyến trong tương lai.
Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý
tần số VTĐ, qua đó đại diện các đơn vị đã trao đổi và đề xuất các giải pháp khắc phục, đồng thời xác định
phương hướng và nhiệm vụ cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác phối
hợp trong thời gian tới. Các vấn đề
được đặc biệt quan tâm gồm tuyên truyền Luật Tần số vô tuyến điện, cập nhật các
văn bản pháp lý mới và phối hợp cấp phép, xử lý vi phạm. Các vấn đề đáng chú ý
còn bao gồm kiểm soát phát xạ không phép, quản lý các đài truyền thanh, kiểm
tra và xử lý các đơn vị kinh doanh thiết bị không dây sai quy hoạch và tổ chức
các đợt kiểm soát lưu động, đồng thời thúc đẩy phong trào đoàn thể để tăng cường
tình đoàn kết giữa các đơn vị.
Kết thúc Hội nghị, các đơn vị cam kết mạnh mẽ trong việc
nâng cao chất lượng phối hợp và quản lý tần số VTĐ, đảm bảo sử dụng hiệu quả
tài nguyên tần số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an
ninh quốc gia./.
Đại diện các đơn vị chụp hình lưu niệm
Thảo Trâm - TTCĐS