Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông tại Bình Dương - Động lực phát triển kinh tế xã hội
Theo Quy hoạch tỉnh
Bình Dương giai đoạn 2021-2030, Ngành Thông tin và Truyền thông được xác định
là lĩnh vực trọng điểm trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế
số của tỉnh. Quy hoạch này, được phê duyệt theo Quyết định số 790/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, hướng đến mục tiêu đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công
nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến trong khu vực.
Một trong những trọng điểm của
quy hoạch là phát triển hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, đồng
bộ. Bình Dương sẽ đẩy mạnh việc nâng cấp và mở rộng mạng băng thông rộng trên
toàn tỉnh, bao gồm cả các vùng nông thôn và khu vực khó tiếp cận, nhằm đảm bảo
tốc độ và chất lượng truyền dẫn thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống
này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dịch vụ viễn thông và công
nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về trao đổi dữ liệu và sử dụng
các dịch vụ số.
Việc phát triển hạ tầng viễn thông kế thừa hợp lý hạ tầng đã được đầu tư, đồng
thời gắn kết chặt chẽ với hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý. Mở rộng mạng lưới
cáp quang và nâng cấp các trạm phát sóng di động đảm bảo phủ sóng toàn diện, chất
lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực
tuyến.
Bên cạnh đó, việc khai thác hiệu
quả trung tâm dữ liệu hiện có và hình thành trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo
tiêu chuẩn xanh sẽ bảo đảm kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông, có khả năng dự
phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn và nâng cao hiệu suất.
Đồng thời, xây dựng vùng khoa học
công nghệ và các khu công nghệ thông tin tập trung sẽ là trung tâm đầu não thu
hút và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ
liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật. Khu công
nghệ thông tin tập trung không chỉ cung cấp môi trường làm việc hiện đại, tiện
nghi cho các doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện kết nối với các viện nghiên cứu
và trung tâm đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ
và đổi mới sáng tạo cho toàn tỉnh.
Bộ
não Vùng Khoa học công nghệ Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương
An toàn thông tin mạng, an ninh
mạng luôn được xem là điều kiện tiên quyết, gắn kết, song hành với hoạt động
chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành,
khai thác và phát triển các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an
toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ cho sự phát triển ổn định và bền vững
của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Phát triển mạng lưới bưu chính
vùng 11 cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong quy hoạch thông tin và
truyền thông của Bình Dương. Dự án này hướng tới việc cải thiện hệ thống bưu
chính, đảm bảo tính kết nối và cung cấp các dịch vụ bưu chính chất lượng cao.
Việc hiện đại hóa hệ thống bưu chính sẽ giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao nhận
hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử và dịch vụ logistics phát
triển nhanh chóng.
Sơ đồ phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông hạ tầng viễn
thông thụ động
Ngoài ra, Ngành Thông tin và
Truyền thông còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực kết nối,
chia sẻ thông tin giữa các ngành kinh tế, giúp tối ưu hóa quá trình quản lý, vận
hành và phát triển của tỉnh. Sự phát triển của truyền thông số sẽ hỗ trợ quảng
bá, kết nối các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, thương mại điện tử, và đô thị
thông minh, góp phần thúc đẩy Bình Dương trở thành tỉnh phát triển công nghiệp
hiện đại.
Việc phát triển hạ tầng thông
tin và truyền thông tại Bình Dương không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là cơ
hội để tỉnh bứt phá hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ và truyền
thông tiên tiến, đồng thời tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao
năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này
không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế mà còn hướng tới một
tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.
TTH