Ngày 19-9, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 4862/KH-UBND về triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tỉnh Bình Dương
Tổ công nghệ số cộng đồng do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. Tại mỗi khu ấp theo Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, gồm: Trưởng khu ấp là Tổ trưởng, Bí thư Chi đoàn là Tổ phó, thành viên Tổ (từ 3 – 7 người tùy theo tình hình thực tế địa phương) là đoàn viên thanh niên, phụ nữ, công an và các cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động cộng đồng, trong đó tối thiểu một nhân sự có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, có năng lực sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng và kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng nền tảng số, dịch vụ số. Tại các tổ chức, doanh nghiệp theo Quyết định thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng do lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp ban hành, gồm: Lãnh đạo doanh nghiệp hoặc Chủ tịch Công đoàn cơ sở là Tổ trưởng, đại diện tổ chức, doanh nghiệp hoặc Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Công đoàn là Tổ phó, thành viên là công đoàn viên và người lao động tình nguyên tham gia, trong đó tối thiểu có một nhân sự có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, có năng lực sáng tạo, tinh thần nhiệt huyết vì tổ chức và có kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động sử dụng nền tảng số, dịch vụ số. Thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cộng đồng từ các chương trình đào tạo tập huấn về chuyển đổi cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh; tập huấn sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng Quốc gia và tỉnh cung cấp.
Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ là cầu nối của chính quyền địa phương để tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi số đến các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, người dân; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số do chính quyền tỉnh triển khai; hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,…; mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và xác thực cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng; hướng dẫn ứng dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu theo các điều kiện kinh tế - xã hội đặc trưng của địa phương và theo nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình...; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, vay vốn sản xuất, điện, nước, thông tin liên lạc, bưu chính, vệ sinh môi trường, giao thông công cộng, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số; hướng dẫn người dân tiếp cận, cung cấp thông tin và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu chính quyền tỉnh cung cấp thông qua các nền tảng số; triển khai thực hiện các hoạt động về chuyển đổi số khác trên địa bàn khu ấp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai, hướng dẫn, cho ý kiến về nội dung chuyên môn đối với các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch; tổng hợp thông tin, số liệu về tình hình, kết quả thực hiện; xây dựng, tham mưu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh giao chỉ tiêu chuyển đổi số cộng đồng cho các địa phương triển khai thực hiện; tổ chức phổ biến, tuyên truyền Kế hoạch này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm rõ, biết được sự hình thành và tổ chức hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, từ đó tích cực phối hợp, tham gia triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng; thường xuyên theo dõi tình hình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng của các địa phương, kết hợp tổ chức nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các mô hình mới, sáng kiến hay (thông qua các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề), từ đó phổ biến, triển khai nhân rộng toàn tỉnh; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình xây dựng, phát triển các nền tảng số, dịch vụ số liên quan đến người dân (các ứng dụng, dịch vụ số là kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh) để phối hợp với các bên liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng thời nghiên cứu, đề xuất bổ sung nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng để các địa phương triển khai thống nhất, đồng bộ; tích cực nghiên cứu, học tập các mô hình mới, sáng kiến hay trong tổ chức hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và tình hình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng ở các tỉnh, thành trong nước, từ đó đề xuất, tham mưu triển khai cho tỉnh; kết nối với các doanh nghiệp công nghệ số, thành lập đội ngũ cộng tác viên về chuyển đổi số, phân công Tổ báo cáo viên của tỉnh để phối hợp, hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tổ chức triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai phủ sóng di động vùng lõm, phát triển mạng lưới cáp quang đến hộ gia đình theo các quy định hiện hành, kết hợp thực thi các chính sách hỗ trợ giá cước thuê bao để việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng được thuận lợi, hiệu quả; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, đưa nội dung triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cộng đồng vào chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hàng năm.
Các Sở, Ban, ngành; Tỉnh đoàn Bình Dương; Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không làm lãng phí, thất thoát ngân sách.
Chi tiết Kế hoạch số 4862/KH-UBND xem: Tại đây./.
Phạm Hồng