image banner
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 287

Ngày 11 tháng 01 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Định hướng phát triển đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2050

Đến năm 2025, 2030, phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số. Quy hoạch mạng bưu chính có tính dự phòng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng toàn vẹn, không đứt gẫy trong mọi trường hợp khẩn cấp.

Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông theo hướng mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng. Hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có. Dữ liệu phát sinh tại Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.

Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin được ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển theo hướng làm trước, làm tốt, làm tập trung các nền tảng số có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia phục vụ nhiều ứng dụng, dịch vụ, đóng vai trò là nền tảng số dùng chung cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số. Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến, hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì.

An toàn thông tin mạng, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết, gắn kết, song hành với hoạt động chuyển đổi số trong toàn bộ quá trình thiết kế, thử nghiệm, đánh giá, vận hành, khai thác. Phát triển các hệ thống kỹ thuật, giải pháp, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. Chú trọng triển khai các hệ thống, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Phổ cập công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể người dân.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin dựa trên các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật...; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội để hình thành công nghiệp công nghệ số. Ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh và bền vững với trọng tâm là chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin Make in Viet Nam, góp phần tạo không gian phát triển mới của đất nước (Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) và tham gia sâu vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ số thế giới. Hình thành hệ thống các khu công nghệ thông tin tập trung với quy mô hợp lý về diện tích mặt bằng, phân bổ hợp lý về lĩnh vực chuyên môn, vị trí địa lý để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Quy hoạch các khu công nghệ thông tin tập trung để hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương, vùng, địa bàn trọng điểm, bảo đảm sự phát triển bền vững của môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm việc sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, đúng mục tiêu.

Tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng thông tin và truyền thông bảo đảm tăng cường thông minh dựa trên dữ liệu và các công nghệ mới; xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bao phủ, kết nối đa tầng không gian (mặt nước, lòng nước, mặt đất, lòng đất, vùng trời) và đa chiều giữa các tầng; hợp nhất an toàn toàn bộ thế giới vật lý với thế giới số nhằm thích ứng trước mọi biến động phức tạp, khẩn cấp; mở rộng không gian hoạt động; đáp ứng phát triển bền vững mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.

Phương án phát triển

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra phương án phát triển theo từng lĩnh vực. Cụ thể, mạng bưu chính gồm mạng bưu chính công cộng và mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước (KT1). Quy hoạch mạng bưu chính công cộng cấp quốc gia gồm các Trung tâm Bưu chính khu vực và các Trung tâm Bưu chính vùng. Quy hoạch mạng bưu chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm bán kính phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tối đa 3 km/điểm phục vụ; 100% xã có điểm phục vụ có người phục vụ. Hiện đại hóa mạng bưu chính KT1, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. Triển khai phương án chuyển phát trong tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật. Định hướng phân bổ không gian. Quy hoạch 3 trung tâm miền thuộc mạng bưu chính KT1 tại miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Thiết lập và kết nối với mạng bưu chính công cộng để duy trì hoạt động chấp nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.

Hạ tầng số tập trung phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng hệ thống truyền dẫn quốc tế vừa bảo đảm dung lượng truyền dẫn của Việt Nam ra quốc tế có băng thông lớn, tốc độ cao, được bảo đảm an toàn thông tin mạng, vừa mở rộng không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub). Hệ thống truyền dẫn trục quốc gia chuyển dịch từ tập trung phát triển theo trục Bắc - Nam sang mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây, giúp nâng cao năng lực dự phòng và phân tải cho mạng đường trục quốc gia, đáp ứng các yêu cầu hạ tầng và dịch vụ mới đòi hỏi độ trễ thấp, băng thông lớn. Hệ thống truyền dẫn vệ tinh thay thế 02 vệ tinh Vinasat 1 và 2 theo lộ trình sử dụng. Hệ thống Internet Việt Nam được mở rộng kết nối Internet trong nước, mở rộng đối tượng; Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX.

Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (loT) là hạ tầng sử dụng công nghệ cảm biến và các phương tiện truyền dẫn thích hợp để cung cấp các dịch vụ: thu thập, truyền dẫn, xử lý thông tin giữa con người, máy móc và vạn vật với nhau. Mạng truyền dẫn, phát sóng Phát thanh - Truyền hình bảo đảm tất cả người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được thu, xem các kênh chương trình truyền hình thiết yếu phát sóng trên hạ tầng truyền hình số mặt đất và từ vệ tinh. Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng trở thành hạ tầng truyền dẫn căn bản thống nhất, ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối bốn cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã, kết nối các thành phần của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Mạng thông tin thoại phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước được nâng cấp, hiện đại hóa mạng thông tin thoại cố định mặt đất và thiết lập mạng di động mặt đất; triển khai phân hệ dùng riêng và các giải pháp bảo mật cơ yếu, bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 5 phục vụ liên lạc cơ mật, khẩn cấp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đối tượng theo yêu cầu. Mạng điện báo Hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước trở thành hệ thống phục vụ thông tin khẩn cấp, cơ mật của Đảng, Nhà nước trong mọi tình huống.

Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phát triển theo hướng mạng lưới trung tâm dữ liệu trên cơ sở hài hòa với quy hoạch năng lượng, tận dụng lợi thế vùng về hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, căn cứ vào nhu cầu phát triển và có tính đến các yếu tố về an ninh, quốc phòng. Hình thành và triển khai tối thiểu 02 trung tâm dữ liệu quốc gia. Hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia.

Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin phát triển các nền tảng số nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Các nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn thông tin mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng. Quy mô công trình. Các nền tảng số quy mô quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trên quy mô toàn quốc. Quy mô công trình được tính toán, tổng hợp vào quy mô công trình của trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây.

An toàn thông tin mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tập trung phát triển các hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam. Cho phép giám sát, phân tích, xử lý, điều phối bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. Phát triển các hệ thống kỹ thuật phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các hệ thống kỹ thuật quy mô quốc gia để điều hành, chỉ huy tập trung. Phát triển các hệ thống kỹ thuật mang tính nền tảng nhằm phục vụ hoạt động bảo đảm an toàn cho người dân, tạo lập niềm tin số và phổ cập dịch vụ an toàn thông tin cơ bản cho người dân trên môi trường mạng. Phát triển các hệ thống kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước và phát triển các công nghệ, sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng. Phát triển các hệ thống kỹ thuật nhằm phân tích, chia sẻ thông tin an toàn thông tin mạng. Nâng cao uy tín, ảnh hưởng và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong khu vực về an toàn thông tin mạng.

Về công nghiệp công nghệ thông tin, xây dựng mới từ 2-3 khu công nghệ thông tin tập trung; xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung ở các tỉnh, thành phố có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phân bổ không gian theo vùng.

Việc bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia. Khuyến khích gắn kết các công trình hạ tầng thông tin và truyền thông với các công trình phát triển công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo hướng hình thành hệ sinh thái để nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Các địa phương căn cứ nhu cầu phát triển, quy hoạch tỉnh và các quy định có liên quan để bố trí diện tích đất phù hợp.

Tải văn bản tại đây.pdf.

Xuân Hiến – Văn phòng Sở.

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
  • Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
1 

Danh sách tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

image advertisement







Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0