Những nỗ lực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số năm 2023
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 794

Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành. Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp mới, hiệu quả, thiết thực, gắn cải cách hành chính với chuyển đổi số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Bước đầu mang lại hiệu quả, thiết thực

Nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức, các tổ chức và người dân cùng chung tay xây dựng cải cách hành chính, chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động, quyết liệt trong việc tuyên truyền, quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách về cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, thông qua việc xác định rõ các mục tiêu, tiến độ hoàn thành, phân công nhiệm vụ thực hiện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện.

Một số giải pháp đã được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả, thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, như hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống mạng nội bộ; thiết bị phần cứng, đường Internet, Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn thông tin, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý nghiệp vụ tại đơn vị. Hệ thống truyền hình trực tuyến của cơ quan đã kết nối với 120 điểm cầu; kết nối 4 cấp. Hệ thống dữ liệu đã được triển khai tập trung tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, đồng bộ nhiều nền tảng, phần mềm, ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Các trang thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại, thường xuyên cập nhật, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

anh tin bai

Ông Nguyễn Hữu Yên - Phó Giám đốc Sở TT&TT (đứng thứ hai - từ phải qua) nhận Bằng khen của UBND tỉnh về hạng Nhất Chỉ số cải cách hành chính năm 2023

Sở Thông tin và Truyền thông đã đưa vào sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; Nền tảng số quản trị nội bộ thông qua ứng dụng Chính quyền Số Bình Dương; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng giám sát trực tuyến và hệ thống thông tin; Nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai trên Cổng 1022, dịch vụ công; Nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung kết nối dữ liệu các bộ, ngành thông qua Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối dữ liệu 18/18 sở, ban, ngành và 4/6 ngành dọc của tỉnh. Tích hợp tại Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) hơn 1.000 chỉ số chỉ đạo, dữ liệu 18/18 các sở, ban, ngành; 9/9 IOC mềm huyện, thị xã, thành phố; phân quyền 91/91 xã, phường, thị trấn; xây dựng 146 dashboard. Đã hình thành hệ thống dữ liệu của ngành In; dữ liệu ngành xuất bản; bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Thực hiện việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành có liên quan. Các dữ liệu đã được sử dụng và khai thác dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đưa vào sử dụng các ứng dụng nội bộ như Phần mềm Quản lý, điều hành; Phần mềm ký số (chứng thư số); Hệ thống hộp thư điện tử công vụ tỉnh; Hệ thống hộp thư điện tử công vụ Bộ Thông tin và Truyền thông; Hệ thống phần mềm lưu trữ Own Cloud; Hệ thống Quản lý tài sản ICT Bình Dương; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông; Hệ thống Phòng họp không giấy; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Ứng dụng Bình Dương số; Ứng dụng Chính quyền số; Ứng dụng 1022 Bình Dương; Hệ thống chỉ đạo, điều hành IOC; Phần mềm Kế toán; Phần mềm Công đoàn; Phần mềm Quản lý công chức, viên chức.

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên các hoạt động của đơn vị, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, công bố thủ tục hành chính kịp thời. Xây dựng các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực của Sở. Rà soát, đơn giản hóa đối với 02/37 thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm số ngày làm việc, tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. Từ tháng 11/2022, tỉnh Bình Dương triển khai hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Dương,  với vai trò là cơ quan thường trực về chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiên phong trong việc thí điểm sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bình Dương. 100% thủ tục hành chính công của Sở được cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình và thanh toán trực tuyến. Các thủ tục hành chính được rà soát, xây dựng mẫu điện tử tương tác hỗ trợ điền thông tin tự động; tích hợp các kênh thông báo về tình hình xử lý hồ sơ như tin nhắn, ứng dụng Bình Dương Số, Zalo SmartCity; tích hợp kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ xác định danh tính; hồ sơ được số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính vào Kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức.

Để cho người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Sở đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách đến với người dân thông qua Zalo OA Binh Duong SmartCity. Xây dựng Video clip hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Hướng dẫn cho người dân lựa chọn các đơn vị cung cấp chữ ký số công cộng miễn phí để nộp hồ sơ trực tuyến. Tăng cường hướng dẫn thông qua Hệ thống đường dây nóng 1022. Bên cạnh đó, cử đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến. Đảm bảo người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại và được giải quyết hồ sơ trước thời hạn so với thời gian quy định.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc hạng Nhất về Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Phương hướng trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, như đội ngũ nhân sự của Sở Thông tin và Truyền thông được cấp ít hơn so với khối lượng các nhiệm vụ, công việc được giao. Một công chức phải kiêm nhiệm nhiều vị trí việc làm, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số. Hệ thống thông tin thủ tục hành chính tích hợp nhiều tính năng; người dùng đã quen với thao tác trên giao diện phần mềm dịch vụ công cũ nên khi sử dụng hệ thống mới người dùng chưa quen với giao diện mới dẫn đến khó khăn khi thao tác; với quy mô được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh nên số lượng truy cập, sử dụng, tra cứu thông tin lớn, vì vậy, hệ thống tích hợp nhiều nền tảng phần mềm, kết nối nhiều cơ sở dữ liệu đã phát sinh lỗi, sự cố trong quá trình sử dụng hệ thống.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của đơn vị, góp phần hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống thông tin thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ về kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ về kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp và các giải pháp triển khai dịch vụ công trực tuyến cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, học sinh để hướng dẫn cho người dân làm trực tuyến từ xa.

Tiếp tục triển khai nhiều kênh, dịch vụ thanh toán trực tuyến, cung cấp kết quả điện tử qua kho dữ liệu cũng như cổng thông tin dữ liệu… nhằm hỗ trợ tối đa, tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng các kênh tiếp nhận, giải đáp thông tin cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong khi thực hiện thủ tục hành chính, giải đáp thông tin, đặc biệt qua Hệ thống 1022 để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Xuân Hiến.

Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
  • Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024
1 

Danh sách tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí

image advertisement







Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0