Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho Tổ Công nghệ số cộng đồng
Ngày 01 tháng 4 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ cho Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Kiện toàn Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ)
Tổ CNSCĐ được phân bổ số lượng nhân sự theo mật độ dân số và quy mô hộ gia đình. Mỗi khu/ấp thành lập một Tổ CNSCĐ từ 03 thành viên trở lên. Để thuận tiện trong công tác điều hành, định hướng Trưởng ấp, Trưởng khu phố là Tổ trưởng Tổ CNSCĐ, tổ viên với nòng cốt là các cá nhân thuộc các Đội, Tổ, Nhóm Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn về chuyển đổi số cho cộng đồng cùng với công đoàn viên, công an và các cá nhân tình nguyện. Mỗi thành viên (không bao gồm Tổ trưởng) phụ trách, hỗ trợ, hướng dẫn về công tác chuyển đổi số cho ít nhất 220 hộ gia đình, đối với các khu vực mật độ dân số thưa, không đáp ứng điều kiện tối thiểu phân bổ thành viên sẽ duy trì tối thiểu 03 thành viên/Tổ.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định thành lập hoặc kiện toàn Tổ CNSCĐ (nếu có) với nội dung gồm danh sách các tổ, số hộ quản lý, tổ trưởng phụ trách; đồng thời lập dự trù kinh phí hoạt động của từng Tổ (không thực hiện thanh toán chi phí hỗ trợ đối với các cán bộ, công chức, viên chức nếu thực hiện công việc của Tổ trong giờ làm việc do đã được ngân sách chi trả thông qua tiền lương).
Địa điểm hỗ trợ miễn phí của Tổ Công nghệ số cộng đồng
Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ yêu cầu chỉ đạo trong trường hợp có chỉ đạo đột xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và tình hình nhân sự Tổ CNSCĐ hiện có, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai, trong kế hoạch nên rõ số tổ, nhân sự ra quân, thời gian dự kiến hoàn thành.
Hình thức trả lương và tiền lương làm việc vào ban đêm được thực hiện theo Mục 2, Chương VI, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Mức hỗ trợ không quá 200.000 đồng/người/đêm.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm soát, quản lý thời gian và chấm công làm việc thực tế của các thành viên tham gia, đảm bảo chính xác, hiệu quả, không lãng phí đúng theo các quy định pháp luật liên quan.
Thủ tục thanh toán chi phí hỗ trợ được thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành.
Chế độ thông tin báo cáo
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của Tổ CNSCĐ gửi UBND các huyện, thành phố trước ngày 10/11 hàng năm và theo yêu cầu đột xuất của cơ quan cấp trên.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của Tổ CNSCĐ trước ngày 30/11 hàng năm và theo yêu cầu đột xuất của cơ quan cấp trên.
Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo về tình hình và hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ về Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Tải văn bản tại đâypdf
XH.