Nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Trong những năm gần đây, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương luôn được chú trọng. Tỉnh đã bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thức tế của địa phương.
Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định “Chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân, trong mọi lĩnh vực”; “Chính quyền số tiên phong thực hiện trên cơ sở kế thừa phát huy những kết quả đạt được của việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh tỉnh Bình Dương để mang tính dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển”; “Chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp”, đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin cũng như xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Nghị quyết là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành các chương trình, kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng thành phố thông minh, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền trong việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đơn vị.
Tỉnh Bình Dương tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ về công tác chuyển đổi số
Tỉnh đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự lan tỏa đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan, tổ chức tích cực hưởng ứng và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của địa phương, góp phần đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong thực thi công vụ, đời sống, sản xuất, dịch vụ và thương mại. Song song đó, giải pháp trọng yếu, mang tích cấp bách mà tỉnh đang quan tâm triển khai thực hiện là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, để khai thác tối đa các thế mạnh sẵn có, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nguồn nhân lực công nghệ thông tin, để thu hút các chuyên gia, lao động có tay nghề cao đến Bình Dương làm việc và sinh sống.
Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời triển khai có hiệu quả các chương trình, mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội tỉnh. Xây dựng và hình thành các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, với các trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số, để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch. Thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng. Thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, các lĩnh vực trọng điểm thực hiện chuyển đổi số theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, góp phần thực hiện mục tiêu "Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Một số kết quả bước đầu về chuyển đổi số
Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cải tiến hiệu quả và minh bạch hoạt động chính quyền, đảm bảo tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý nhà nước, trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được một số kết quả bước đầu. Đáng chú ý, tỉnh đã thiết lập hệ thống mạng nội bộ, kết nối qua đường truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, với hơn 184 điểm kết nối. Hệ thống thư công vụ với hơn 8.000 tài khoản được tạo lập, sử dụng và Hệ thống phần mềm quản lý văn bản với hơn 270 cơ quan, đơn vị được triển khai sử dụng, kết nối thông suốt với Trung ương và địa phương. Hội nghị truyền hình trực tuyến đã liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã với 120 điểm cầu trực tuyến. Trung tâm dữ liệu tỉnh được đưa vào vận hành, bảo mật an toàn thông tin, sẵn sàng cung cấp dịch vụ phục vụ chính điện tử, chính quyền số. Các hệ thống dùng chung và các hệ thống thông tin chuyên ngành đã từng bước được hiện thực hóa các thành phần trong kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, với trục kết nối dữ liệu nội tỉnh, kết nối với các hệ thống Chính phủ điện tử của bộ, ngành, trung ương. Một số cơ sở dữ liệu dùng chung đã được xây dựng và hình thành.
Tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Ứng dụng Bình Dương số
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, cũng như gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền tỉnh Bình Dương. Điểm nhấn trong hoạt động chuyển đổi số của tỉnh là đưa vào hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh bền vững của tỉnh Bình Dương. Đến nay, tỉnh đã xây dựng các hệ thống giám sát phục vụ cho lãnh đạo tỉnh, hệ thống giám sát của 13/19 sở, ngành; 9/9 huyện, thị xã, thành phố, với 146 bảng điều hành trên 03 nền tảng web, di động và màn hình điều hành. Tỉnh đã đưa vào sử dụng Ứng dụng Bình Dương số với 33.296 lượt cài đặt; Ứng dụng Chính quyền số với 2.812 lượt cài đặt. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cung cấp 1.889 thủ tục hành chính trực tuyến. Cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 Chính phủ. Toàn tỉnh đã thành lập 586 Tổ Công nghệ số cộng đồng với hơn 3.329 người, để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, cách thức hoạt động trên môi trường mạng xã hội, đảm bảo an ninh an toàn, chống lừa đảo trên môi trường mạng.
Trong 02 năm liền (2021, 2022), chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh Bình Dương xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Bình Dương có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tăng 09 bậc so với năm 2020; tăng ba bậc so với năm 2021, đứng hạng 19 cả nước và hạng 3 khu vực miền Đông Nam bộ. Năm 2022, Bình Dương lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh một trong 21 đô thị có Chiến lược phát triển Thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Giải pháp chuyển đổi số trong thời gian tới
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tổ chức phát động các phong trào chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm hay về chuyển đổi số, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi của tỉnh Bình Dương (10/10) năm 2023. Thực hiện tốt Năm dữ liệu số quốc gia, các Nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn tập An toàn thông tin năm 2023
Đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo tập trung, kết nối với Hệ thống báo cáo quốc gia; hệ thống quản trị tổng thể, điều hành tập trung. Chia sẻ, kết nối dữ liệu Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh với các Trung tâm Giám sát, điều hành chuyên ngành, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, mở rộng hệ thống giám sát, đảm bảo 100% máy tính trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được giám sát và cài đặt phần mềm chống virus theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng, phê duyệt an toàn thông tin cấp độ hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị và chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Ban hành chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số, nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế số của tỉnh.
Đồng thời, xây dựng Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ký kết, triển khai hợp tác Chuyển đổi số giữa Bình Dương với Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các dịch vụ công thiết yếu, phổ biến. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua việc ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến; miễn phí trung gian thanh toán trực tuyến.
Xuân Hiến.