Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại Bình Dương
Chiều ngày chiều 17/8, tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương, Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Khóa XV do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Tỉnh Đoàn Bình Dương.
Báo cáo với Đoàn, ông Lê Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, toàn tỉnh có 09 văn phòng đại diện của các báo Trung ương và địa phương ngoài tỉnh đăng ký hoạt động, với 36 phóng viên. Ngoài ra, có 07 phóng viên thường trú hoạt động độc lập và hơn 62 phóng viên của các cơ quan báo chí thuộc các Bộ, ngành khối Trung ương và địa phương ngoài tỉnh được giới thiệu theo dõi và đưa thông tin về Bình Dương. Có 27 bản tin, 14 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, 01 trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Ngoài ra, còn có 46 cổng/trang thông tin điện tử nội bộ của các sở, ban, ngành, địa phương hoạt động. Các cơ quan báo chí cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật trong thành lập văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú theo quy định tại Điều 22 Luật Báo chí năm 2016. Hệ thống thông tin cơ sở đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Khóa XV làm việc tại Sở TT&TT tỉnh Bình Dương
Ông Lê Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT báo cáo kết quả với Đoàn giám sát
Đối với lĩnh vực xuất bản, tỉnh Bình Dương không có Nhà xuất bản. Hoạt động xuất bản ở địa phương chủ yếu là xuất bản tài liệu không kinh doanh của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Bình Dương hiện có 24 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in, 211 cơ sở được xác nhận đăng ký hoạt động in theo quy định. Có 07 doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm theo đúng định hướng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Về khó khăn của ngành, các cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn, thách thức với mạng xã hội, doanh thu từ hoạt động truyền thông và quảng cáo sụt giảm, đặc biệt với báo in. Việc ký kết hợp đồng đặt hàng tuyên truyền đã mang lại nguồn thu cho cơ quan báo chí, tuy nhiên đã làm giảm chức năng phản ánh, phản biện xã hội đối với những mặt còn chưa đúng, chưa sâu của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương báo cáo với Đoàn giám sát về những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của Đài
Ông Lý Văn Đẹp – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, công tác quản lý thanh niên, bảo vệ trẻ em, công tác tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả. Khó khăn của ngành đang gặp phải là thiếu biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản chỉ đạo quản lý ngành về trẻ em chưa thống nhất, đồng bộ, chưa có chính sách khuyến khích cán bộ yên tâm gắn bó và tâm huyết với công tác.
Ông Lý Văn Đẹp – Phó Giám đốc Sở Nội vụ báo cáo kết quả với Đoàn giám sát
Bà Trần Thị Diễm Trinh – Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương báo cáo kết quả với Đoàn giám sát
Bà Trần Thị Diễm Trinh – Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có 900.000 thanh niên. Tổng số đội viên, thiếu niên nhi đồng là hơn 338.437 em, đoàn viên có 83.884 người, Hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam có hơn 191.000 người, Hội viên Hội Sinh viên Việt Nam có hơn 23.000 người. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, phát triển thanh niên. Phần lớn thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về thái độ chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt tính năng động, sáng tạo, tinh thần xung kích, tình nguyện, tính tự giác, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số thanh niên vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội ngày càng trẻ hóa; một bộ phận thanh niên thiếu ý chí và quyết tâm trong học tập, lao động và rèn luyện. Vai trò xung kích, tình nguyện trong việc tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đoàn, Hội và thanh niên ở một số địa phương chưa rõ nét.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao tình hình thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn Bình Dương nghiên cứu tham mưu cho tỉnh ban hành các Nghị quyết chuyên đề; chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp và hợp tác quốc tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh.
XH.